Xin bắt đầu chủ đề này bằng một câu chuyện không được vui cho lắm, dạo gần đây mình nhận ra mình đã đến cái tuổi mà anh chị em họ trong nhà bắt đầu nhờ vả tư vấn cho các cháu nó về tương lai sự nghiệp. Các cháu sắp tốt nghiệp đại học rồi, còn mình thì cũng sắp… 40 🥲
Trong đợt UXVN năm ngoái, BTC cũng gồm các bạn sinh sau 2000, các bạn cũng có hỏi mình câu hỏi: “Anh vẫn sẽ tiếp tục theo nghề design trong tương lai chứ?”, “Vì sao anh vẫn còn giữ đc đam mê với nghề này?”
Và gần nhất mình cũng có nói chuyện với các bạn senior hơn, làm nghề cũng hơn 10 năm, có nhiều bạn cũng stuck hoặc chưa biết hướng đi sắp tới như thế nào cho sự nghiệp của bản thân.
Mình chợt nhận ra, câu trả lời có vẻ sáo rỗng, nhưng chính xác nhất, vẫn là “Find your craft”. Hay nôm na là, đam mê của bạn là gì?
Thế nào là đam mê nghề nghiệp?
Thật ra câu hỏi này sẽ dễ trả lời hơn đối với những người đã đi làm nhiều năm, craft chính là thứ mà chúng ta có thể sẵn sàng ngồi hằng giờ để làm, làm cho hoàn thiện, cho tốt nhất có thể. Thứ khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn khi hoàn thành.
Craft giống như kỹ năng tạo ra một thứ gì đó, hay một giá trị nào đó.
Giả sử một ngày đẹp trời, công việc của mình không thuận lợi, mình không được quản lý team như ý muốn, không được giao sản phẩm xịn nhất, mình vẫn có thể mở Figma lên và vẽ một flow, màn hình nào đó, và cảm thấy vui với chuyện đó, đó chính là craft của mình.
Hoặc như khi tổ chức UXVN, mình sẵn sàng dành nhiều giờ đồng hồ để setup Automation từ hệ thống bán vé sang Airtable và Zapier, chỉ để đến ngày mở bán vé nhìn mọi thứ tự chạy một cách hoàn hảo. Đó là craft của mình.
Và như khóa Growth Design, mình đã dành cả tháng trời, xem mọi bài youtube hướng dẫn setup low code, và build gần xong 1 platform để mọi người có thể login, xem lại bài giảng, tài liệu. Đó cũng là craft của mình
Craft của từng ngành nghề dĩ nhiên là khác nhau. Software Engineer có thể cảm thấy hứng thú khi nhìn vào những dòng code. Entrepreneur đam mê tạo nên các startup… để bán? Nhạc sĩ đam mê sáng tác… Vậy thì, làm sao tìm được Craft, nếu nó không thực sự rõ ràng?
Đầu tiên dĩ nhiên là 2 câu hỏi sau đây:
Đâu là thứ khiến bạn bực bội, khó chịu nếu bạn không thực hiện nó? Hoặc nếu làm nó chưa tốt?
Đâu là thứ khiến bạn có thể quên thời gian, dành hàng giờ cho nó?
Đối với các bạn mới ra trường, hay đang muốn chuyển nghề, mình hay nói với các bạn rằng: Hãy mạnh dạn thử một thứ mà bạn cho rằng đó là craft của bạn. Nhưng khi đã chọn thử, hãy theo tới cùng, ít nhất là 1 năm hoặc ít nhất là đến khi bạn đạt được một kết quả nào đó, dù thành công hay thất bại. Điều này sẽ giúp bạn trả lời 2 câu hỏi ở trên chính xác hơn, dễ dàng hơn. Nếu bạn không thực sự làm đến cùng, bạn sẽ rất khó để tìm ra craft của mình
Motivation at work
Dẫu vậy, tuy đam mê rõ là thế, nhưng nó cũng chưa hẳn là động lực để bạn sẵn sàng thứ dậy mỗi ngày, lao ra đường, ngồi vào máy tính và đối diện với hằng trăm vấn đề gây stress mỗi ngày, nếu bạn không có một động lực nào đó để đi làm. Vậy thì động lực đi làm của chúng ta là gì?
TIỀN?
🤑
Mình không biết với đa số mọi người là gì, với mình, đó là achievement, đó là thử thách. Dù là làm công việc gì, mình luôn đặt ra một thử thách, để đến khi đạt được, vượt qua được, mình sẽ cảm thấy toàn vẹn - fulfill.
Trước khi có UXVN Festival, mình đã từng đặt thử thách: liệu tôi có thể tổ chức một sự kiện UX quốc tế không?
Khi nhận công việc Manager, mình đặt ra thử thách liệu có thể xây dựng team UX, Design xịn nhất Việt Nam không? 😆
Khi vào làm Zalo, thử thách của mình ở thời điểm đó là, liệu mình có thể cải thiện UX ở một sản phẩm rất đặc thù và đậm nét Việt Nam như Zalo không?
Những thử thách này, là thứ khiến mình tiếp tục cố gắng mỗi ngày, sử dụng Craft của mình, để đạt được. Vì thế đối với mình Achievement là một động lực rất quan trọng.
Tình cờ thay, sau khi làm bài test Style of leadership, thì style của mình là Achievement-oriented – a style of leadership that focuses on setting and achieving goals 😅